Mô tả
Chặng 1. Thương cảng ven sông
Hành trình: Chợ Gạo – Nguyễn Siêu – đền Bạch Mã – Hàng Lược
6 giờ sáng, khi cái nắng của mùa hè chưa chạm ngọn cây, khi người dân của thành phố vừa tỉnh giấc. Đây là thời điểm lý tưởng để bắt đầu một chuyến bộ hành.
Chúng ta sẽ gặp nhau tại phố Chợ Gạo nơi sông Tô Lịch và sông Hồng gặp gỡ. Từ đó, những mạch nước và đất đan xen tạo nên thế đất của Thăng Long. Đi xuyên phố cổ, chèo ngược sông xưa, là câu chuyện về một thương cảng ven sông sầm uất.
Tương ứng với thời gian giữa thế kỷ 19. Tại đây, vẫn là khu chợ lớn nhất Việt Nam, nhưng không phải khu chợ được vận hành bằng xe máy, ô tô; thậm chí không phải bằng xe kéo – mà bằng thuyền và bến.
Tại đây, mạch nước đã chảy qua các xóm làng của Hà Nội và cũng luồn lách vào trong Hoàng thành. Một dòng nước đi qua thị tứ và đô thành. Hợp lại thành cụm từ “đô thị” của phương Đông.
Chặng 2. Thành phố phương Tây
Bốt Hàng Đậu – Phan Đình Phủng – vườn hoa Mai Xuân Thưởng
Dọc theo khu phố biệt thự Pháp là câu chuyện của cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Khi người Pháp muốn biến Hà Nội thành thủ phủ Đông Dương. Đi cùng người Pháp là lối sống Pháp, tư duy Pháp đương thời. Thành phốbuộc phải biến đổi theo làn sóng cư dân và lối sống mới đó. Con sông cũng phải nương theo ý muốn của các chủ nhân mới – nằm dưới những con đường nhựa của những chiếc ô tô, xe kéo và những bà đầm.
Tuy nhiên, sự đánh đổi này mang lại điều gì cho Hà Nội? Và những bức tường thành đã bị phá hủy liệu còn được xác định bằng chính hiện thực chúng ta đang sống?
Chặng 3. Nơi dòng sông biến mất
Đầu đường Hoàng Hoa Thám
Sau ngày Độc lập, thành phố như bị đóng băng vì đất nước liên tục chiến tranh. Nhưng sự chuyển biến đô thị không dừng lại, người dân tiếp tục mở rộng và thay đổi không gian mà họ sống. Và họ thu hẹp dần những phần đất vốn của dòng sông.
Cuối cùng. Dấu tích của Tô Lịch ở phía Tây thành chỉ còn là một con mương, cái cống. Nó lẩn sâu dần sau những căn nhà, chịu bóp chết bởi những người dân mới của thành phố. Tại đây, nó gần như tàng hình với con người. Hàng nghìn người đi qua nó hàng ngày. Nhưng họ không hề biết, gần nơi họ đi, gần nơi họ ở có một dòng sông đã và vẫn chảy tại đó suốt hàng ngàn năm. Cho tới khi, số phận của nó được định đoạt – hạ ngầm thành cống thoát nước; và đè lên nó, là một con đường mới tinh tươm đã hoàn thiện vào đầu năm 2017.
Đây cũng là nơi kết thúc “Dấu sông hồn phố”, trọn vẹn câu chuyện về một khúc sông đã mất.
Để hành trình của chúng ta thuận lợi hơn, các bạn có thể: - Mang theo giấy và bút nhiều màu để vẽ lại thành phố trên những tấm bản đồ cũ. - Bạn có thể đọc qua về Hà Nội xưa, sông Tô Lịch, phố cổ và đời sống thời Pháp thuộc. Hãy ghi nhớ vị trí của Thăng Long tứ trấn trên bản đồ Hà Nội ngày nay. - Vì mùa hè nắng nóng và đi bộ liên tục 6km. Hãy chuẩn bị trang phục, nước và đi giày phù hợp.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.